- Các trường hợp cần phải công chứng hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền được quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), theo đó hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.
Bên ủy quyền phải trả thù lao cho bên nhận ủy quyền trong trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Bộ luật dân sự hiện hành không quy định cụ thể các trường hợp hợp đồng ủy quyền bắt buộc phải thực hiện công chứng, chứng thực, tùy từng công việc, từng lĩnh vực cụ thể mà pháp luật chuyên ngành sẽ có những quy định cụ thể về việc công chứng hợp đồng ủy quyền.
Một số trường hợp hợp đồng ủy quyền phải thực hiện công chứng như sau:
- Thứ nhất, theo khoản 2 Điều 96 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, hợp đồng ủy quyền được xác lập theo quan hệ ủy quyền giữa vợ chồng bên nhờ mang thai hộ cho nhau hoặc theo quan hệ ủy quyền giữa vợ chồng bên mang thai hộ cho nhau về việc đại diện cho nhau tham gia ký kết thỏa thuận về việc mang thai hộ;
- Thứ hai, ủy quyền đăng ký hộ tịch căn cứ theo Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP
- Thứ ba ủy quyền kháng cáo trong tố tụng hành chính căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 205 Luật Tố tụng hành chính 2015.
- Ngoài ra, trong một số trường hợp ủy quyền liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cũng bắt buộc phải công chứng chứng thực hợp đồng ủy quyền
- Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền
Khi thực hiện ủy quyền cho chủ thể khác nhân danh mình thực hiện các công việc, xác lập giao dịch dân sự hoặc một nghĩa vụ, chủ thể ủy quyền có các quyền và nghĩa vụ cụ thể theo quy định của pháp luật.
Quyền của bên ủy quyền
Quyền của bên ủy quyền được quy định tại Điều 568 BLDS 2015, theo đó bên ủy quyền có các quyền cơ bản sau:
- Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.
- Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Được bồi thường thiệt hại nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ.
Nghĩa vụ của bên ủy quyền
Song song với các quyền tại Điều 568 BLDS 2015, bên ủy quyền cũng phải tuân thủ các nghĩa vụ được quy định tại Điều 567 BLDS 2015, cụ thể như sau:
- Cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết để bên nhận ủy quyền thực hiện công việc.
- Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện nhân danh mình trong phạm vi ủy quyền.
- Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền, trả thù lao cho bên nhận ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật hoặc theo đúng thỏa thuận.
- Quyền và nghĩa vụ của bên nhận ủy quyền
Bên cạnh các quy định về quyền, nghĩa vụ của bên ủy quyền pháp luật dân sự cũng quy định các quyền và nghĩa vụ tương đương của bên nhận ủy quyền, nhằm tạo hành lang pháp lý đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Quyền của bên nhận uỷ quyền
Quyền của bên nhận ủy quyền được quy định cụ thể tại Điều 566 BLDS 2015, bao gồm các quyền cơ bản sau:
- Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc được ủy quyền.
- Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền, hưởng thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Nghĩa vụ của bên nhận ủy quyền
Song song với các quyền của mình, bên nhận ủy quyền cũng phải thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 565 BLDS 2015, cụ thể như sau:
- Thực hiện công việc theo ủy quyền và thông báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.
- Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi thực hiện ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi thực hiện ủy quyền.
- Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện công việc được ủy quyền.
- Giữ bí mật thông tin mà mình biết được qua việc thực hiện công việc được ủy quyền.
- Những điều cần lưu ý về hợp đồng ủy quyền
Như đã nói, hợp đồng ủy quyền là một trong những chứng cứ quan trọng thể hiện ý chí của các bên trong việc giao nhận ủy quyền, vì vậy để đảm bảo sự có hiệu lực của nó cần lưu ý một số vấn đề nhất định: thời hạn ủy quyền, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền và ủy quyền lại cho người khác.
Thời hạn ủy quyền
Về thời hạn ủy quyền được quy định tại Điều 563 BLDS 2015, theo đó thời hạn ủy quyền sẽ được tính như sau:
- Do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định.
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền sẽ có hiệu lực 01 năm kể từ ngày các bên thực hiện ủy quyền.
Bên nhận ủy quyền thực hiện ủy quyền lại cho người khác
Sau khi nhận ủy quyền, bên nhận ủy quyền cũng có thể thực hiện ủy quyền lại cho chủ thể khác khi đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Điều 564 BLDS 2015, cụ thể như sau:
- Có sự đồng ý của bên ủy quyền.
- Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích ủy quyền sẽ không được thực hiện.
Khi tiến hành ủy quyền lại cũng cần lưu ý các vấn đề sau:
- Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
- Hình thức hợp đồng ủy quyền phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền
Trong quá trình thực hiện hợp đồng ủy quyền các bên cũng có thể đơn phương chấm dứt trong các trường hợp được quy định tại Điều 569 BLDS 2015, cụ thể như sau:
- Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù laocho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
- Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.