Nhà ở xã hội chỉ dành cho một số đối tượng cụ thể với mức giá mua rẻ hơn so với các loại hình nhà ở khác. Do có mức giá ưu đãi như vậy nên có nhiều người vẫn muốn mua nhà ở xã hội mặc dù không thuộc đối tượng được mua loại hình nhà ở này. Mua nhà ở xã hội thông qua hợp đồng ủy quyền là một trong những hình thức khá phổ biến hiện nay.
1. Nhà ở xã hội là gì?
- Là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật nhà ở.
- Là loại hình nhà được sở hữu và quản lý bởi Nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận được xây dựng với mục đích cung cấp nhà ở giá rẻ cho một số đối tượng được ưu tiên trong xã hội.
- Nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở giá rẻ cho các hộ gia đình có trong chính sách hiện hành.
CSPL: Khoản 7 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020.
2. Đối tượng được mua nhà ở xã hội
- Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
- Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân.
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
- Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định.
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
CSPL: Điều 49 và khoản 1 Điều 50 Luật Nhà ở năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020.
3. Điều kiện mua nhà ở xã hội
Điều kiện về nhà ở:
- Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập.
- Có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.
Điều kiện về cư trú:
- Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội.
- Trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội.
Điều kiện về thu nhập: các đối tượng sau phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên:
- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
- NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Các đối tượng còn lại không yêu cầu đáp ứng điều kiện về thu nhập.
CSPL: Điều 49 và Điều 51 Luật Nhà ở 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020.
4. Rủi ro khi mua nhà ở xã hội thông qua hợp đồng ủy quyền
- Do hợp đồng ủy quyền là hợp đồng có thời hạn và bên được ủy quyền chỉ được thực hiện trong một phạm vi nhất định do bên ủy quyền cho phép thực hiện nên nếu mua nhà ở xã hội thông qua hợp đồng ủy quyền thì người mua sẽ bị hạn chế một số quyền lợi.
- Hợp đồng ủy quyền cũng sẽ bị coi là đương nhiên hết hiệu lực khi bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết. Lúc này, rủi ro mất trắng nhà rất cao.
- Bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền và chỉ cần thông báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian nhất định và chi trả thù lao cho bên bạn nếu là hợp đồng ủy quyền có thù lao (Điều 569 Bộ luật Dân sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, nếu người ủy quyền đột ngột đơn phương chấm dứt hợp đồng thì người được ủy quyền không kịp tìm chỗ ở mới, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và công việc của người được ủy quyền.
- Việc mua bán nhà bằng hợp đồng ủy quyền không đủ cơ sở pháp lý để cho rằng nhà đó là quyền sở hữu của người mua do hợp đồng ủy quyền chỉ là nhân danh bên có nhà ở thực hiện việc quản lý, sử dụng nhà mà không thực hiện quyền quan trọng nhất là chuyển quyền sở hữu nhà ở cho bên mua.
- Khi xảy ra tranh chấp giữa người ủy quyền và người được ủy quyền thì quyền lợi của người được ủy quyền khó được đảm bảo.
5. Giải pháp cho vấn đề này
Giải pháp tốt nhất cho bạn đó là Lập vi bằng. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận chính xác hành vi, lời trình bày của các bên cũng như số tiền, giấy tờ mà các bên đã trao cho nhau khi thực hiện thỏa thuận mua bán. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra khiến giao dịch không thành công, Vi bằng sẽ là căn cứ để hai bên tuân thủ và trao trả cho nhau đầy đủ những gì đã nhận. Người mua thì phải trả lại đầy đủ giấy tờ đã nhận cho người bán còn người bán phải trả lại đầy đủ số tiền đã nhận cho người mua. Như vậy mọi giao dịch đều trở nên rõ ràng, khách quan giúp người mua cũng như người bán yên tâm hơn trong hoạt động mua bán của mình.