Thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước,… trong một vài năm gần đây có dấu hiệu tăng trở lại.
Hậu quả của tình trạng người lao động bỏ trốn
Một là, ảnh hưởng tới bản thân người lao động
- Người lao động bị ghi vào danh sách đen của Cục xuất nhập cảnh; bị trục xuất về nước và bị cấm đến quốc gia đó trong một khoảng thời gian;
- Người lao động bị Cục xuất nhập cảnh chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát và cảnh sát quốc gia đó truy bắt trên toàn quốc;
- Người lao động bị phạt tiền, thậm chí bị bắt giam theo quy định.
- Khó bảo đảm các quyền lợi, thiếu đi sự bảo vệ từ cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan hữu trách đối với người lao động bất hợp pháp.
Hai là, ảnh hưởng tới người thân của người lao động
Không chỉ người lao động bị phạt mà người bảo lãnh cho người lao động cũng liên đới chịu trách nhiệm (có thể là chính quyền địa phương, bố mẹ đẻ, anh chị hoặc người thân…) khi ký hợp đồng bảo lãnh.
Do đó, công ty xuất khẩu lao động hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để đưa người bảo lãnh ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại theo hợp đồng bảo lãnh. Đồng thời, người thân của người lao động sẽ bị truy tố về hành vi bảo lãnh cho người sang nước ngoài bất hợp pháp.
Ba là, ảnh hưởng tới Công ty xuất khẩu lao động
Ngay khi bạn bỏ trốn, Công ty xuất khẩu lao động đưa bạn đi sẽ nhận được Thông báo từ Công ty tuyển dụng bạn, vô hình chung bạn là người gây nên sự mất uy tín của công ty xuất khẩu lao động với quốc gia đó.
Không chỉ vậy mà ngay cả Đại sứ quán quốc gia đó cũng sẽ khắt khe hơn về việc cấp Visa cho người lao động của Công ty này. Đặc biệt, Công ty xuất khẩu lao động còn phải bồi thường một khoản tiền tương đối lớn do người lao động bỏ trốn.
Bốn là, ảnh hưởng tới hình ảnh của Việt Nam trên thế giới
Vấn nạn người lao động bỏ trốn không chỉ để lại ấn tượng và suy nghĩ xấu cho người dân Quốc gia đó về Việt Nam mà còn làm cản trở hành trình của những người lao động trong tương lai và những người Việt Nam thực sự có nguyện vọng học tập, và làm việc tại quốc gia đó.
Giải pháp cho vấn đề người lao động bỏ trốn
Trong số các thị trường có lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp thì Hàn Quốc và Nhật Bản có số người Việt bỏ trốn ra ngoài làm việc nhiều nhất. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc nhiều lần với các cơ quan chức năng của nước bạn để giải quyết hiện trạng này. Chính phủ hai quốc gia trên cũng đưa ra nhiều giải pháp, vừa có tính nhân đạo vừa nghiêm minh để số lao động bỏ trốn tự giác ra trình diện, đưa họ trở lại Việt Nam.
- Theo quy định của Việt Nam: Yêu cầu lao động cam kết ký quỹ 100 triệu đồng; Ngừng đi làm việc tại nước ngoài 2-5 năm; Hạn chế thi năng lực tiếng Hàn.
- Theo quy định của Hàn Quốc: Chủ doanh nghiệp nếu dùng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp sẽ bị hạn chế tuyển dụng trong 3 năm; Lao động vi phạm có thể bị phạt tù hoặc phạt tiền 30 triệu won. Hàn Quốc đồng thời xem xét lại hạn ngạch tuyển dụng năm tiếp theo cho quốc gia có nhiều lao động trốn ra ngoài làm việc…
Hiện nay, các công ty xuất khẩu lao động đã đưa ra biện pháp phòng ngừa rất hiệu quả là yêu cầu người lao động cam kết và người thân của người lao động phải bảo lãnh, cam kết cho người thân của mình.
Với lời cam kết sẽ bồi thường thiệt hại cho công ty một số tiền khi người thân của mình bỏ trốn, các Công ty xuất khẩu lao động hoàn toàn có thể khởi kiện tới tòa án khi sự việc không mong muốn xảy ra. Người lao động sẽ luôn phải “ghi nhớ” đến việc người thân của mình phải bồi thường một khoản tiền lớn khi mình bỏ trốn, trong khi trước đó gia đình đã phải “lo” một khoản tiền không nhỏ để cho các bạn đi lao động, vì vậy phần nào hạn chế việc bỏ trốn.
Để lời cam kết không bị lật lọng, hạn chế xảy ra tranh chấp, các Công ty xuất khẩu lao động đã yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận những thoả thuận giữa người lao động, thân nhân của người lao động với công ty. Vi bằng có giá trị chứng cứ, không cần phải chứng minh, giúp cho Công ty xuất khẩu lao động có được cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại khi cần thiết.