Trong cuộc sống xảy ra rất nhiều trường hợp cá nhân không vay nợ nhưng bị các công ty hay cá nhân yêu cầu trả nợ, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như uy tín của cá nhân mình. Vậy khi gặp phải tình huống này cá nhân cần phải xử lý như thế nào khi không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ?
-
Thu thập tài liệu, chứng cứ về hành vi đòi nợ
Khi xảy ra tình huống này, cá nhân cần phải tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ về hành vi đòi nợ để làm cơ sở cho khiếu kiện, tố cáo bao gồm:
- Thông tin địa chỉ của tổ chức, cá nhân có hành vi đòi nợ;
- File ghi âm, video, hình ảnh, tin nhắn, email thể hiện các hành vi đòi nợ;
- Các tài liệu mà tổ chức, cá nhân gửi cho người bị đòi nợ;
- Yêu cầu những người xung quanh có thể làm người làm chứng về hành vi đòi nợ….
Trong quá trình thu thập chứng cứ, các cá nhân nên yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận những tài liệu do mình cung cấp để làm bằng chứng gửi lên trước Toà yêu cầu giải quyết sự việc cho mình. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
-
Tố giác về hành vi vu khống, làm nhục người khác
Theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 28/2020/TT-BCA của Bộ Công an, Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, các cá nhân cần phải làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an có thẩm quyền để tiến hành điều tra, xác minh sự việc cũng như có phương án xử lý với người vu khống, làm nhục người khác. Cụ thể:
- Công an xã, phường, thị trấn: Có nhiệm vụ phân loại, xử lý tin báo về tội phạm;
- Công an điều tra cấp huyện: Có nhiệm vụ điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện;
- Công an điều tra cấp tỉnh: Có nhiệm vụ điều tra những tội phạm thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, có yếu tố nước ngoài…
-
Khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Trong trường hợp không đủ điều kiện khởi tố vụ án và không thoả thuận được về dân sự thì có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
- Căn cứ vào Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín,… quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
- Căn cứ vào Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 người khởi kiện có thể yêu cầu bồi thường những khoản thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.