Trong một số trường hợp khi lập di chúc bắt buộc phải có người làm chứng, tuy nhiên không phải ai cũng có thể trở thành người làm chứng. Như vậy, con cái có được làm chứng cho di chúc của cha mẹ không?
Quy định pháp luật về người làm chứng trong di chúc
Các trường hợp cần người làm chứng khi lập di chúc quy định tại Điều 630, 634 Bộ luật dân sự 2015:
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ;
- Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng;
- Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy di chúc nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng.
Điều 632 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Theo đó, mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc trừ người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc và người chưa thành niên ( người dưới 18 tuổi ), mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.
Con cái có được làm chứng cho di chúc của cha mẹ không?
Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, con cái thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của cha mẹ. Do vậy, căn cứ điều 632 Bộ luật dân sự 2015, con cái không thuộc đối tượng được làm chứng cho di chúc của cha mẹ. Việc con cái làm chứng cho di chúc của cha mẹ làm di chúc bị vi phạm về mặt hình thức dẫn đến di chúc vô hiệu toàn bộ.
Hậu quả pháp lý khi di chúc vô hiệu
- Di chúc vô hiệu thì không làm phát sinh hiệu lực pháp luật của di chúc.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Toà án là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên bố di chúc vô hiệu.
Khi Quyết định hoặc Bản án của Toà án tuyên bố di chúc vô hiệu một phần có hiệu lực pháp luật, phần nội dung di chúc không bị vô hiệu vẫn có hiệu lực thực hiện.
Nếu tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì toàn bộ tài sản thừa kế của người chết sẽ được phân chia theo pháp luật cho những người được thừa kế của người để lại di sản thừa kế.
- Phần di sản thừa kế liên quan đến phần di chúc vô hiệu sẽ được chia theo pháp luật.
Nếu trường hợp phần di sản đó vi phạm pháp luật, như chỉ định tổ chức phản động hưởng di sản hoặc di sản được để lại cho những người thừa kế sử dụng vào các mục đích trái pháp luật (sử dụng cho mục đích khủng bố, buôn lậu, chứa mại dâm, tổ chức đánh bạc…) thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu.