Với sự phát triển của internet và công nghệ thông tin, việc thực hiện các giao dịch trực tuyến đã trở nên phổ biến và tiện lợi hơn bao giờ hết. Hợp đồng điện tử đang dần trở thành một xu hướng chung và ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Hợp đồng điện tử là gì?
Theo quy định tại Điều 33, 34 Luật Giao dịch điện tử 2005 thì Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.
Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định cho phép thực hiện giao dịch dân sự thông qua phương phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Đây được xem như một giao dịch dân sự thể hiện bằng văn bản.
Chứng cứ trong hợp đồng điện tử
Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”
Dữ liệu điện tử được Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định là nguồn chứng cứ. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Luật Giao dịch điện tử 2005 công nhận giá trị pháp lý như văn bản của thông điệp dữ liệu chứ không đưa ra khái niệm về chứng cứ điện tử.
Như vậy, chứng cứ trong hợp đồng điện tử có thể là các thông tin, thông điệp dữ liệu hay bất cứ những gì thu thập được từ các thiết bị điện tử, các thiết bị lưu trữ thông tin, internet, mạng máy tính, điện thoại di động, máy ảnh, thư điện tử, fax, … được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định.
Thủ tục thu thập chứng cứ trong hợp đồng điện tử
1. Thẩm quyền thu thập
Theo Điều 6 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án.
Ngoài ra, Tòa án có thể thu thập chứng cứ, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định.
2. Trình tự thu thập chứng cứ
Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Việc đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản. Thời hạn đương sự được phép giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. (Điều 96 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: trong một số trường hợp, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:
- Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
- Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng;
- Trưng cầu giám định;
- Định giá tài sản;
- Xem xét, thẩm định tại chỗ;
- Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;
- Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;
- Các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật này.
Giá trị chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự
Chứng cứ điện tử trong giao tố tụng dân sự cũng chính là chứng cứ điện tử được sử dụng trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án.
Giá trị làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu được quy định tại Điều 14 Luật giao dịch điện tử 2005:
- Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.
- Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Chứng cứ điện tử có giá trị chứng minh rất lớn trong quá trình tố tụng dân sự, do đó cần có sự rõ ràng, mang tính khách quan, hợp pháp để nâng cao giá trị chứng minh.
Pháp luật tố tụng dân sự chưa có quy định về vấn đề bảo quản, lưu trữ chứng cứ điện tử. Do đó, các bên cần phải thận trọng khi bảo quản, lưu trữ chứng cứ điện tử một cách đầy đủ, chi tiết.
Để chứng cứ điện tử phát huy giá trị chứng minh trong quá trình tố tụng, đương sự phải biết cách kết hợp với những chứng cứ khác và các lập luận đúng thời điểm, phù hợp quy định pháp luật.
Để xác định được chứng cứ trong hợp đồng điện tử cần dựa vào các đặc tính của chứng cứ bao gồm tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp
- Tính khách quan: chứng cứ là những gì có thật, tồn tại khách quan không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người.
- Tính liên quan: chứng cứ là những gì tồn tại khách quan và liên quan đến vụ việc dân sự mà Tòa án dựa vào đó để giải quyết tranh chấp. Chứng cứ phải có liên quan, có ý nghĩa đối với việc tìm ra sự thực khách quan của vụ việc.
- Tính hợp pháp: chứng cứ phải do đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục mà Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định.