Cho vay tiền không có giấy tờ là một trong những hiện tượng khá phổ biến hiện nay dựa vào sự tín nhiệm giữa người thân, người quen hoặc bạn bè thân thiết. Tuy nhiên, khi có tranh chấp xảy ra, rất nhiều người lo lắng, quan tâm về việc có đòi lại được tiền khi cho vay không có giấy tờ chứng minh.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp bên vay không hoàn trả lại tiền hoặc vật cho bên cho vay khi đến hạn, nhất là những trường hợp bên cho vay tiền không có giấy tờ chứng minh giao dịch đó do quá tin tưởng hoặc chủ quan, không xác lập hợp đồng bằng văn bản.
Theo quy định tại Điều 119 Bộ Luật Dân sự 2015 về hình thức của giao dịch dân sự thì hợp đồng cho vay tài sản có thể được xác lập bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
Vì vậy, trường hợp cho vay tiền không có giấy tờ chứng minh như hợp đồng cho vay thì giao dịch vẫn có hiệu lực pháp luật nếu được giao kết bằng miệng hoặc hành vi cụ thể của các bên.
Khi bên vay tiền không hoàn trả số tiền cho vay khi đến hạn, bên cho vay có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Thỏa thuận với bên vay về việc kéo dài thời hạn trả nợ;
- Nếu hai bên không thỏa thuận được, bên vay có thể gửi đơn khởi kiện ra Tòa án. Trong trường hợp bên cho vay tiền không có giấy tờ chứng minh giao dịch thì phải bằng mọi cách chứng minh được việc cho vay như bản ghi âm, ghi hình cuộc nói chuyện khi cho vay; lời khai của người làm chứng hoặc sự xác nhận của bên vay qua email, tin nhắn điện thoại, phương tiện điện tử khác… để làm căn cứ khởi kiện, giải quyết tranh chấp trước Tòa án.
- Nếu bên vay có hành vi trốn tránh nghĩa vụ trả nợ nhằm chiếm đoạt tài sản thì bên cho vay có thể tố giác đến cơ quan công an về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Tuy nhiên, trên thực tế để giải quyết các tranh chấp liên quan đến cho vay tiền không có giấy tờ chứng minh gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, bên cho vay tiền nên xác lập hợp đồng vay bằng văn bản để có bằng chứng chứng minh, đảm bảo cho việc đòi nợ về sau.
Lập vi bằng ghi nhận thoả thuận cho vay tiền
Để hạn chế cũng như phòng ngừa rủi ro cho mình, người cho vay tiền nên yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Kèm theo Vi bằng có thể có các hình ảnh, video, âm thanh (nếu cần thiết).
Thừa phát lại sẽ chứng kiến buổi làm việc và lập vi bằng ghi nhận toàn bộ những nội dung về việc xác nhận khoản vay của hai bên, những cam kết trả nợ,… Khi đó, nếu đã quá hạn mà bên vay không chịu trả tiền, cố tình trốn tránh thì Vi bằng sẽ là chứng cứ để bạn yêu cầu khởi kiện tại Tòa án, làm căn cứ để bảo vệ quyền, lợi ích của người cho vay.