Sự phát triển nhanh chóng của Internet giúp các bên thuận tiện và đẩy nhanh quá trình giao dịch trong kinh doanh thương mại từ tìm kiếm khách hàng, trao đổi, đàm phán cũng như ký kết hợp đồng giao dịch thông qua việc kết nối, thoả thuận qua email hay các ứng dụng nhắn tin như Zalo, Messenger, Viber,…
Tuy nhiên, để chứng minh chứng cứ hợp lệ khi đàm phán hợp đồng qua tin nhắn, email là điều mà các bên khi đàm phán hợp đồng qua các nền tảng này quan tâm trong trường hợp xảy ra tranh chấp hợp đồng. Theo đó, việc cung cấp chứng cứ hợp lệ giúp các bên thuận lợi hơn trong quá trình giải quyết tranh chấp.
I. Chứng cứ là gì?
Theo Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
- Chứng cứ là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.
- Chứng cứ được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
- Theo đó, chứng cứ là yếu tố vô cùng quan trọng trong vụ án dân sự và là bắt buộc phải nộp kèm theo đơn khởi kiện vụ án dân sự theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
II. Cách chứng minh chứng cứ hợp lệ khi đàm phán hợp đồng qua tin nhắn, email
Khi đàm phán hợp đồng qua tin nhắn, email sẽ phát sinh các loại tài liệu sau:
- Tin nhắn và email trao đổi về nội dung, các điều khoản, quyền và nghĩa vụ của các bên… trong hợp đồng.
- Bản ghi âm cuộc gọi trực tiếp qua điện thoại hoặc cuộc gọi trực tuyến (video call) của các bên đàm phán, thương lượng hợp đồng trên ứng dụng mạng xã hội hoặc các nền tảng ứng dụng khác.
- Hợp đồng dự thảo.
Tuy nhiên, để được xem là chứng cứ hợp lệ thì phải thỏa mãn đủ 3 thuộc tính sau:
1 – Tính khách quan
- Chứng cứ phải là những tình tiết, thông tin, sự kiện có thật, tồn tại độc lập khách quan không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người (không phụ thuộc vào khả năng con người có nhận biết chúng hay không) và không bị bóp méo, xuyên tạc làm mất giá trị chứng minh cũng như tính đúng đắn của chứng cứ.
- Trong quá trình tố tụng, những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng không thể tạo ra chứng cứ theo ý muốn chủ quan mà họ chỉ có thể thu thập, đánh giá, nghiên cứu và sử dụng chúng.
- Chứng cứ phải được phát hiện, tìm thấy từ một nguồn nhất định.
2 – Tính liên quan
- Giữa chứng cứ và vụ việc dân sự có mối quan hệ nhất định. Theo đó, chứng cứ thu thập được phải liên quan đến vụ việc dân dân sự đang giải quyết.
- Chứng cứ bao gồm những thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ việc dân sự. Thông qua nó thì Tòa án có thể công nhận hoặc phủ nhận ngay sự kiện, tình tiết của vụ việc dân sự đang giải quyết.
- Ngoài ra, chứng cứ còn bao gồm những thông tin, tài liệu liên quan gián tiếp đến vụ việc dân sự. Tuy nhiên, nhờ chúng mà Tòa án vẫn có khả năng đưa ra những kết luận nhất định về vụ việc dân sự đang giải quyết.
3 – Tính hợp pháp
- Chứng cứ được coi là hợp pháp khi được thu thập, bảo quản, xem xét và đánh giá tuân theo một trình tự và thủ tục do pháp luật quy định.
- Chứng cứ phải được rút ra từ những nguồn nhất định được quy định tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
- Theo đó, các loại chứng cứ khi đàm phán hợp đồng qua tin nhắn, email mà các bên thu thập và cung cấp cho Tòa án phải được thu thập, bảo quản, xem xét và đánh giá theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và phải được rút ra từ những nguồn của chứng cứ thì mới được xem là hợp pháp.
- Vì vậy, chỉ có những thông tin, sự kiện, tình tiết nào thỏa mãn đủ 3 thuộc tính trên thì mới được xem là chứng cứ. Theo đó, cả 3 thuộc tính của chứng cứ: Tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp đều quan trọng như nhau, là một thể thống nhất có mối quan hệ biện chứng và tác động qua lại lẫn nhau.
III. Tài liệu cung cấp hợp lệ cho Tòa án được xem là chứng cứ khi nào?
Theo quy định tại Điều 95 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 quy định về việc xác định chứng cứ, các tài liệu cung cấp hợp lệ cho Tòa án được xem là chứng cứ khi đáp ứng các điều kiện để được công nhận là chứng cứ như sau:
- Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được;
- Thông điệp điện tử;
- Vật chứng phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc;
- Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng;
- Kết luận giám định nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định;
- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định;
- Văn bản công chứng, chứng thực nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
- Vì vậy, tài liệu mà các bên cung cấp cho Tòa án phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với từng loại tài liệu cụ thể theo quy định của pháp luật thì mới được xem là chứng cứ.
Khoản 9 Điều 95 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 bổ sung quy định: văn bản ghi nhận sự kiện hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi này pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Nghị định 08/2020 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định: Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và theo quy định của pháp luật. Vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị nguồn chứng cứ.
Do vậy các bên có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận các tài liệu liên quan đến việc các bên đàm phán hợp đồng qua tin nhắn, email để làm chứng cứ trong vụ việc của mình và có cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.