Vi bằng, hay văn bản công chứng, chứng thực được pháp luật thừa nhận như là chứng cứ, nguồn chứng cứ trong hoạt động xét xử hay các quan hệ pháp lý khác. Khi thực hiện, nhiều người thường đánh đồng giữa việc lập vi bằng với việc công chứng, chứng thực văn bản là một, xem chúng có giá trị chứng cứ như nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, hai loại văn bản này có giá trị pháp lý hoàn toàn khác nhau.
Khi nào sử dụng Văn bản công chứng, chứng thực
Giả sử khi chuyển nhượng đất hoặc mua bán nhà ở, thì bên mua và bên bán sẽ phải lập hợp đồng chuyển nhượng có công chứng của một tổ chức công chứng tại địa phương theo quy định bắt buộc tại điều 122 Luật nhà ở 2014 và khoản 3, điều 167, Luật đất đai 2013 để sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Khi nào sử dụng Vi bằng
Còn đối với việc thỏa thuận chi tiết về thời điểm bàn giao nhà, đất, số tiền thanh toán chuyển nhượng giữa hai bên bao gồm tiền đặt cọc, tiền thanh toán lần 1, tiền thanh toán lần 2, tiền giữ đợi sổ, vv… sẽ được hai bên yêu cầu Thừa Phát Lại lập Vi Bằng tại một văn phòng Thừa Phát Lại để làm căn cứ thực hiện. Nếu một trong hai bên không thực hiện đúng thì Vi Bằng là căn cứ để bên còn lại yêu trả tiền, bàn giao tài sản hoặc đòi bồi thường. Do đó, Vi Bằng lập trong trường hợp này rất hữu ích và cần thiết.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người dân vẫn chưa hiểu được giá trị pháp lý của Vi Bằng cũng như chưa tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật liên quan đến nhà, đất. Việc mua bán của họ chủ yếu thông qua người môi giới, những người này thường tư vấn cho người mua yêu cầu Thừa Phát Lại lập vi bằng cho việc giao nhận tiền và rót lời đường mật vào tai người mua như : “công chứng vi bằng là hợp pháp rồi, cứ thế mà dọn đồ đến ở…”.
Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tranh chấp cho những căn nhà ba chung: chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà… Vì thế, mọi người lại cho rằng Thừa Phát Lại là tiếp tay cho mua bán, chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp. Đó là cách nhìn thiển cận chưa chính xác, bởi lẽ khi người dân đến Thừa Phát Lại để yêu cầu chứng kiến việc giao nhận tiền mà không nói về việc mua bán nhà, đất thì Thừa Phát Lại cũng không thể kiểm soát được. Trong vi bằng giao nhận tiền cũng không có quy định phải ghi mục đích giao nhận tiền để làm gì. Do đó, không thể nói TPL cố tình tiếp tay cho hành vi mua bán nhà, đất trái phép thông qua vi bằng”. Thừa Phát Lại chỉ ghi nhận vào Vi Bằng những hành vi, sự kiện mà Thừa Phát Lại trực tiếp chứng kiến, giúp cho các thỏa thuận của cả bên mua cũng như bên bán được tôn trọng thực hiện, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho mỗi bên khi xảy ra tranh chấp.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì “Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác”. Như vậy, văn bản công chứng, Vi bằng và các văn bản hành chính khác là các loại giấy tờ có giá trị pháp lý khác nhau.