Cho vay tiền là giao dịch quen thuộc trong đời sống xã hội, thế nhưng đây cũng là giao dịch ẩn chứa nhiều rủi ro do bên vay cố tình chây ỳ không trả nợ và bên cho vay ngậm ngùi mất trắng số tiền cho vay.
Hiện tại, pháp luật hiện hành chưa có quy định riêng về hợp đồng vay tiền nên các giao dịch này được áp dụng theo quy định về giao dịch cho vay tài sản của Bộ luật Dân sự 2015.
Cụ thể, Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên; bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Trong thực tế, các bên thường sử dụng sự quen biết, tin tưởng lẫn nhau để cho vay tiền. Nhưng khi bên vay không trả, bên cho vay rất khó để có thể đòi lại số tiền đã cho vay. Vậy khi cho vay tiền, bên cho vay cần lưu ý những gì để đảm bảo an toàn cho khoản tiền của mình.
- Nhất định phải làm Giấy cho vay tiền
Khi cho vay tiền, nhất là với số tiền lớn, nên làm Giấy cho vay. Giấy cho vay được xem như một Hợp đồng vay tiền nhằm ràng buộc trách nhiệm của hai bên.
Hợp đồng vay tiền cần có nội dung rõ ràng về thông tin người vay, người cho vay, số tiền vay, lãi suất, thời hạn trả… và có đầy đủ chữ ký của hai bên.
Để Hợp đồng vay tiền có hiệu lực pháp lý, các bên phải đáp ứng các điều kiện như: Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp; Hoàn toàn tự nguyện thực hiện giao dịch cho vay; Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; Lãi suất cho vay không vượt quá 20%/năm.
- Lập vi bằng về việc giao nhận số tiền vay giữa hai bên
Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận một cách cẩn thận, chi tiết, trung thực, chính xác những hành vi, lời nói về các thỏa thuận vay cũng như lãi suất, thời hạn vay, số tiền vay, phương thức giao nhận,… của các bên. Kèm theo vi bằng là hình ảnh thể hiện việc hai bên giao nhận tiền và các văn bản, giấy tờ mà hai bên đã thống nhất lập, ký tên, điểm chỉ,…
Khi đó, nếu có tranh chấp xảy ra thì Vi bằng này sẽ có giá trị pháp lý như một chứng cứ để yêu cầu khởi kiện tại Tòa án, làm căn cứ để bảo vệ quyền, lợi ích của người vay cũng như người cho vay.