Thỏa thuận thời hạn hợp đồng là nội dung cơ bản cần có trong các loại hợp đồng. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân khi giao kết các bên bỏ qua điều khoản này. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán đất.
Hợp đồng đặt cọc mua nhà đất
Hợp đồng đặt cọc mua nhà đất là sự thỏa thuận về việc một bên giao tài sản đặt cọc cho bên nhận đặt cọc trong một thời hạn để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán nhà đất. Tài sản đặt cọc có thể là tiền, kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác.
Khi hợp đồng mua bán đất được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Việc thanh toán này theo thỏa thuận giữa các bên.
Trường hợp hợp đồng mua bán không được giao kết hoặc thực hiện thì xử lý như sau:
- Bên đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng: tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.
- Bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng: bên nhận đặt cọc phải trả tài sản đặt cọc lại cho bên đặt cọc và một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đặt cọc.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận các bên.
Cơ sở pháp lý: Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015.
Cách xử lý khi hợp đồng đặt cọc không ghi thời hạn
Hợp đồng đặt cọc không ghi thời hạn thường dẫn đến các sự việc tranh chấp ngoài ý muốn. Một trong các bên có thể dùng lý do này để kéo dài thời gian giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán nhà đất dẫn đến thiệt hại cho bên còn lại. Khi gặp tình trạng này, các bên có thể thực hiện các phương án sau:
- Gửi thông báo cho bên có nghĩa vụ
Một trong các bên có quyền gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng. Trong nội dung thông báo này cần xác định rõ thời hạn thực hiện nghĩa vụ để đảm bảo hợp đồng đặt cọc được tiếp tục thực hiện. Thời hạn này cần đảm bảo sự hợp lý. Nội dung thông báo cần đảm bảo tính chính xác và dẫn chứng tài liệu, chứng cứ chứng minh những nội dung được trình bày. Đồng thời, nội dung thông báo xác định hậu quả pháp lý nếu vi phạm nghĩa vụ. Tùy vào trường hợp cụ thể mà thông báo sẽ có nội dung khác nhau. Phương thức gửi thông báo:
- Gửi qua bưu điện sử dụng dịch vụ báo phát.
- Yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng về việc gửi thông báo đề nghị.
Phương án này được xây dựng dựa trên quy định tại Điều 278 Bộ luật Dân sự 2015. Đây là phương án được áp dụng phổ biến và ưu tiên đầu tiên khi phát sinh vụ việc như vậy.
- Khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền
Khởi kiện ra tòa có thể thực hiện khi các bên không thể thỏa thuận giải quyết hoặc sau khi đã gửi thông báo những bên có nghĩa vụ vẫn không thực hiện. Căn cứ Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 thì tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này. Khi giải quyết tranh chấp bằng tòa án, người khởi kiện cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của người bị kiện.
Việc xác lập chứng cứ thông qua hình thức yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự kiện một bên giao văn bản thông báo cho bên còn lại là vô cùng cần thiết, vì lúc này cần đảm bảo tính khách quan, trung thực của hành vi nêu trên.
Vi bằng của Thừa phát lại là nguồn chứng cứ chứng minh cho việc một bên đã tiến hành thủ tục thông báo cho bên còn lại, chứng minh việc một bên đã thực hiện đúng trình tự theo quy định pháp luật, để có thể tiến hành yêu cầu bên còn lại thực hiện đúng các thoả thuận trong hợp đồng đặt cọc hoặc thực hiện việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đặt cọc.
Thừa phát lại chứng kiến, ghi nhận một cách khách quan, trung thực việc giao văn bản thông báo của bên giao thông báo cho bên còn lại. Mặc dù trong một số trường hợp việc người được nhận thông báo từ chối nhận văn bản, nhưng khi có chứng kiến của Thừa phát lại thì vẫn ghi nhận trung thực về việc người yêu cầu trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thông báo cho người cần thông báo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

















