Trong cuộc sống có nhiều sự việc, giao dịch của người dân đã xảy ra trong quá khứ. Họ trao đổi, xác nhận với nhau bằng lời nói, bằng các giấy tờ viết tay và không có người làm chứng dẫn đến các tranh chấp sau này khó giải quyết.
Hiên nay, người dân thường xuyên tìm đến Thừa phát lại và muốn xác nhận lại sự việc trong quá khứ để làm bằng chứng về sau khi có tranh chấp xảy ra.
Với sự ra đời của Thừa phát lại với tư cách là người làm chứng có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Thừa phát lại sẽ giúp các bên lập vi bằng ghi nhận việc các bên tự mình xác nhận lại sự việc:
– Vi bằng ghi nhận các bên xác nhận việc đã giao nhận tiền trong các giao dịch;
– Vi bằng ghi nhận các bên xác nhận đã thực hiện giao dịch trong quá khứ (mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, trao đổi…);
– Vi bằng ghi nhận các bên xác nhận về việc đã bàn giao, nhận bàn giao tài sản đúng đối tượng, điều kiện đã giao dịch (bàn giao nhà trong hợp đồng thi công, bàn giao tài sản trong hợp đồng mua bán, cho thuê…);
– Vi bằng ghi nhận các bên xác nhận có việc đứng tên giùm trên giấy tờ, văn bản (Việt kiều nhờ người trong nước đứng tên giùm mua nhà đất, đứng tên giùm trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, đứng tên giùm trên giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu…);
– Vi bằng ghi nhận các bên xác nhận việc đã nhận tiền trong kỷ phần thừa kế và cam kết không đòi hỏi bất kỳ lợi ích nào khác liên quan đến việc thừa kế (có thể xảy ra trước hoặc sau thời điểm kê khai di sản thừa kế);
– Vi bằng ghi nhận một bên lập một bản tự khai để gửi đến Tòa án (trường hợp Tòa án ở xa và người này muốn Tòa xử vắng mặt mình).
Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật (Theo Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP).

















