Anh Nguyễn Văn A và chị Trần Thị B kết hôn năm 2010, có 1 con là cháu X (13 tuổi). Trong quá trình chung sống anh chị tạo lập được một số tài sản là bất động sản và đều đứng tên 2 vợ chồng. Sau thời gian thỏa thuận, anh chị quyết định tặng toàn bộ tài sản cho cháu X và có các thoả thuận riêng giữa hai vợ chồng về tài sản tặng cho, cũng như việc quản lý, sử dụng tài sản tặng cho sau này.
Ngoài việc xác lập Văn bản tặng cho tại Văn phòng công chứng, để bổ sung những thoả thuận ngoài khi tặng cho con tài sản, anh A và chị B yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông tư vấn và lập vi bằng về thỏa thuận việc tặng cho tài sản cho con khi con chưa đủ điều kiện.
Quy định của pháp luật về việc tặng tài sản con khi con chưa đủ 18 tuổi
Theo quy định hiện hành, pháp luật không quy định về độ tuổi đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên như sau:
-
Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
-
Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
-
Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
-
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Từ quy định trên thì người chưa thành niên khi thực hiện giao dịch dân sự sẽ thông qua người đại điện theo pháp luật của mình. Người đại diện theo pháp luật gồm:
– Đối với con chưa thành niên người đại diện theo pháp luật là cha mẹ.
– Đối với người chưa thành niên có khó khăn trong nhận thức thì người đại diện theo pháp luật là người giám hộ.
Nếu tài sản là thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng, thì việc tặng cho quyền sử dụng đất cho con lại không thể thực hiện được khi mà bố mẹ không thể vừa là bên tặng cho lại vừa đại diện cho bên nhận tặng cho được.
Còn trường hợp đất đã thuộc quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng, thì người còn lại hoàn toàn có thể đại diện cho con mình để thực hiện giao dịch nhận tặng cho. Và khi con đã đủ 18 tuổi thì lúc đó sẽ có toàn quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật và được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vì vậy lập vi bằng thỏa thuận việc tặng tài sản cho con là phương án tối ưu khi con chưa đủ điều kiện. Thừa phát lại sẽ ghi nhận trung thực, khách quan các thoả thuận của hai vợ chồng liên quan đến việc tặng cho tài sản cho con như các thoả thuận về tài sản riêng, thoả thuận về việc quản lý, sử dụng tài sản tặng cho sau này.
Người dưới 18 tuổi có được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không?
Căn cứ Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, pháp luật hiện không quy định việc cấm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dưới 18 tuổi.
Bên cạnh đó tại Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (sửa đổi bởi khoản 4 và khoản 5 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) quy định về thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận cũng không đề cập đến độ tuổi của người đứng tên trên Giấy chứng nhận.
Do vậy, người dưới 18 tuổi vẫn có quyền được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bởi pháp luật chỉ hạn chế người dưới 18 tuổi không được tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản mà không quy định về độ tuổi được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

















