Bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác bị xử lý như thế nào?
Cùng với sự phát triển của mạng Internet, nhiều người đã lợi dụng không gian mở trên mạng xã hội để thực hiện hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác thông qua các bài viết, tin nhắn, hình ảnh, video,…
Bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác là gì?
Bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác là những hành vi truyền bá thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm. Quyền này tiếp tục được ghi nhận tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”
Theo Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm của mình. Các thông tin xấu được đăng trên phương tiện thông tin đại chúng phải bị gỡ bỏ, đồng thời cải chính.
Bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác bị xử lý thế nào?
- Xử phạt hành chính
Người thực hiện hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
– Phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng: với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác (Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 7).
– Phạt tiền từ 05 – 20 triệu đồng: với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình (Điều 54).
Ngoài ra, nếu việc sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… để đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm cá nhân thì có thể bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng theo điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
- Chịu trách nhiệm hình sự
Nếu hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác có mức độ nguy hiểm cao thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Ngoài ra, tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác mà người phạm tội còn có thể bị phạt tù theo các khung sau:
– Hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm mà thuộc một trong các trường hợp: phạt tù từ 03 tháng – 02 năm
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Với 02 người trở lên;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Đối với người đang thi hành công vụ;
- Với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
- Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
– Hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm mà thuộc một trong các trường hợp: phạt tù từ 02 – 05 năm
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Làm nạn nhân tự sát.
Bên cạnh đó, người thực hiện hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.
Như vậy, người bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị xử lý hình sự với khung cao nhất là phạt tù đến 05 năm.
- Bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác
Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Theo đó, người vi phạm không những phải bồi thường các chi phí để khắc phục thiệt hại còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị bôi nhọ về danh dự, nhân phẩm. Mức tiền do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tiền bồi thường tối đa là không quá 10 tháng lương cơ sở.
Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng. Do đó, mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác sẽ cao nhất là: 18 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người bị thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai (căn cứ khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015).
Như vậy, người thực hiện hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác vừa phải bồi thường thiệt hại bằng tiền, vừa phải công khai xin lỗi, cải chính thông tin nếu người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm yêu cầu.
Xử lý thế nào khi phát hiện mình bị bôi nhọ danh dự, nhân phẩm
Để có căn cứ chứng minh sự việc mình bị bôi nhọ danh dự, nhân phẩm với các cơ quan chức năng và đòi bồi thường thiệt hại, người bị hại phải yêu cầu Thừa Phát Lại lập Vi Bằng ghi nhận toàn bộ những hành vi “nói xấu”, bêu rếu người khác trên trang mạng xã hội, những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác.
Bởi Vi Bằng là văn bản có giá trị chứng cứ do Thừa Phát Lại được Nhà nước bổ nhiệm trực tiếp chứng kiến, ghi nhận khách quan, trung thực các sự kiện trong thực tế. Vi Bằng sẽ là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật.
Việc nhanh chóng Lập Vi Bằng sẽ phòng ngừa được trường hợp các đối tượng chỉnh sửa, gỡ hoặc xóa bài viết khỏi trang mạng xã hội khiến người bị bôi nhọ danh dự, nhân phẩm gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, thu thập chứng cứ.