Trong cuộc sống hiện đại, ly hôn không còn là điều xa lạ và những hệ quả pháp lý liên quan sau đó ngày càng được quan tâm, đặc biệt là về quyền và nghĩa vụ đối với con cái. Một trong những vấn đề thường gặp là xác định tình trạng của đứa trẻ sinh ra sau khi cha mẹ ly hôn là con chung hay con riêng? Bởi nó không chỉ liên quan đến quyền lợi của đứa trẻ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm pháp lý của cha mẹ theo quy định pháp luật.
Con sinh ra sau khi cha mẹ ly hôn là con chung hay con riêng?
Căn cứ theo Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về xác định cha cho con như sau:
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do chính người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
- Trong trường hợp cha không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Theo đó, pháp luật quy định con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do chính người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Thời điểm chấm dứt hôn nhân được xác định trong hai trường hợp sau:
- Chấm dứt hôn nhân do ly hôn: thời điểm chấm dứt hôn nhân do ly hôn kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Chấm dứt hôn nhân do vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết: thời điểm chấm dứt hôn nhân do vợ hoặc chồng chết chính là thời điểm mà vợ hoặc chồng chết, còn nếu trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân sẽ được chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.
Như vậy, con sinh ra sau khi ly hôn trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân (tức kể từ thời điểm bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật) được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân, theo quy định của pháp luật, con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Nếu trong trường hợp con được sinh ra trong thời gian đã vượt quá 300 ngày kể từ thời điểm bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì đó không phải con chung của vợ chồng (đã ly hôn) mà là con riêng của người vợ.
Ngoài ra, để xác định con chung hay còn riêng còn phải xét về mối quan hệ huyết thống. Nếu như con sinh ra sau khi ly hôn trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng người con đó không phải con đẻ của người chồng cũ thì khi đó người chồng cũ hoặc người mẹ (vợ cũ) có thể thực hiện thủ tục yêu cầu ra Tòa án để xác định cha con.
Giải quyết xác định cha cho con
Tại Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con như sau:
- Cơ quan đăng ký hộ tịch: xác định cha, mẹ, con trong trường hợp không có tranh chấp.
- Tòa án: xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp người có yêu cầu chết.
Để có căn cứ yêu cầu xác định cha cho con, cha mẹ cần thực hiện yêu cầu giám định ADN xác định quan hệ huyết thống. Những tài liệu chứng minh gồm: kết quả giám định ADN, thư từ, email, tin nhắn trao đổi, hình ảnh, video, văn bản cam đoan của cha mẹ có người làm chứng, và các chứng cứ liên quan khác cần được Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận lại làm bằng chứng để nộp lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác nhận cha cho con.
——————————————————————-