Hiện nay, thủ tục khai nhận phân chia di sản thừa kế khá phức tạp, đặc biệt trong trường hợp khai nhận phân chia di sản thừa kế là nhà đất mà phần diện tích không đủ để tách thửa. Vậy khi người nhận thừa kế nhưng không đủ diện tích tách thửa thì nên làm gì?
Điều kiện để tách thửa đất
Việc tách thửa đất phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 220 Luật Đất đai 2024 đã quy định rõ các nguyên tắc và điều kiện để thực hiện tách thửa đất như sau:
- Thửa đất cần tách phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp lệ.
- Còn trong thời hạn sử dụng.
- Đất không được có tranh chấp.
- Không bị kê biên để thi hành án hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Trong trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phần không tranh chấp, phần đó vẫn được phép tách thửa.
Việc tách thửa phải đảm bảo có lối đi, kết nối với đường giao thông công cộng, cấp thoát nước và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý. Các thửa đất sau khi tách phải đạt diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với từng loại đất.
Nhận thừa kế đất nhưng không đủ diện tích tách thửa giải quyết thế nào
Khi nhận thừa kế đất nhưng không đủ diện tích tách thửa, người thừa kế có thể xem xét các phương án xử lý sau:
Phương án 1: Những người thừa kế cùng đứng đồng sở hữu. Đây là phương án phổ biến khi thửa đất thừa kế không đủ diện tích tối thiểu để tách thửa. Những người được hưởng di sản theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật có thể lựa chọn đứng đồng sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo khoản 2 Điều 135 Luật đất đai năm 2024, khi có nhiều người chung quyền sử dụng đất hoặc sở hữu tài sản gắn liền với đất, Giấy chứng nhận sẽ ghi đầy đủ thông tin của tất cả những người có quyền. Mỗi người sẽ được cấp một bản Giấy chứng nhận riêng, hoặc có thể cấp chung một Giấy chứng nhận cho người đại diện nếu có yêu cầu.
Phương án 2: Thỏa thuận cho một người nhận phần tài sản và chi trả tiền cho những người khác. Đây là cách thức được nhiều người lựa chọn để tránh ràng buộc và tranh chấp sau này. Những người thừa kế có thể thỏa thuận để lại phần đất cho một người, còn những người khác sẽ nhận bồi thường bằng tiền tương ứng với phần tài sản được hưởng trong khối di sản.
Ví dụ: Gia đình ông bà X có 3 người con A, B, C và có một mảnh đất 60m2 đất thổ cư. Ông bà X mất không để lại di chúc. Khi khai nhận di sản thừa kế thì A, B, C thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản đó. Tuy nhiên điều kiện tách thửa cho A, B, C không đáp ứng diện tích tối thiểu. Do vậy, 3 người con có thể thỏa thuận theo 2 phương án:
– Phương án 1: Thỏa thuận tất cả A, B, C cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức đồng sở hữu.
– Phương án 2: Thỏa thuận định giá quyền sử dụng đất 60m2 đất thổ cư đó, chia đều thành 3 phần bằng nhau. Nếu A nhận hết phần đất 60m2 thì A có nghĩa vụ thực hiện chi trả lại tiền tương ứng cho 2 phần của B, C; nếu B hoặc C nhận phần đất đó thì cũng thực hiện nghĩa vụ tương tự.
Trong thực tế, trước khi tiến hành phân chia di sản thừa kế, các hàng thừa kế cần có sự thoả thuận về phân chia diện tích thực tế đồng sở hữu; hay thỏa thuận về việc cho một người thừa kế nhận phần tài sản và chi trả tiền cho những người khác.
Những người thừa kế nên yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự thoả thuận giữa các bên về việc phân chia di sản thừa kế. Đây là cơ sở để những người thừa kế thực hiện khai nhận di sản cũng như là chứng cứ giải quyết vụ việc tại Toà án nếu như ít nhất một trong các bên không thực hiện như đã thoả thuận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên còn lại.