Quyền tác giả bị xâm phạm khi tác phẩm có bảo hộ quyền tác giả được sử dụng mà không có sự cho phép, đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Những hành vi xâm phạm quyền tác giả được cụ thể trong quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022).
Các biện pháp tự bảo vệ quyền tác giả
Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022) quy định các chủ thể của quyền tác giả có thể tự bảo vệ quyền tác giả của mình.
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Các biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm quyền tác giả
Từ những hành vi vi phạm quyền tác giả, có thể dựa vào tính chất và mức độ của hành vi để áp dụng các biện pháp xử lý dân sự, hình sự hoặc hành chính. Ngoài ra nếu xét thấy cần thiết có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022).
1. Biện pháp dân sự
Theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022) các biện pháp dân sự mà Tòa án có thể áp dụng để xử lý hành vi vi phạm quyền tác giả bao gồm:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
2. Biện pháp hành chính
Ngoài biện pháp xử phạt dân sự, đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả còn có thể bị xử phạt hành chính nếu thuộc trường hợp theo Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022).
Mức phạt đối với hành vi trên được quy định cụ trong Nghị định 131/2012/NĐ-CP. Đối với mỗi hành vi cụ thể sẽ có những khung hình phạt khác nhau ngoài ra còn có các hình phạt bổ sung.
3. Biện pháp hình sự
Xử lý hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan nếu hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Thu thập chứng cứ về quyền tác giả bị xâm phạm
Khi phát hiện ra các trường hợp Quyền tác giả bị xâm phạm, chủ sở hữu quyền tác giả bị xâm phạm nên yêu cầu Thừa phát lại tiến hành lập vi bằng thu thập chứng cứ làm bằng chứng để gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu bên xâm phạm thực hiện các biện pháp dân sự như chấm dứt hành vi xâm phạm, công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại,… đồng thời thực hiện các biện pháp hành chính như: cảnh cáo, phạt tiền,…
Bên cạnh đó, người bị xâm phạm có thể cung cấp bằng chứng tới Toà án khởi kiện để xử lý theo quy định của Pháp luật, thậm chí xử lý hình sự đối với chủ thể có hành vi xâm phạm theo quy định tại Điều 226 của Bộ luật Hình sự 2015.