Việc giao nhận tiền là hoạt động diễn ra thường xuyên trong cuộc sống. Với những trường hợp giao nhận với số tiền lớn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên.
Trong thực tế, đã có không ít tranh chấp xảy ra khi các bên thực hiện giao nhận tiền cho nhau. Các trường hợp thường xảy ra như việc giao thiếu tiền, bên giao đã giao tiền nhưng bên nhận báo chưa nhận được… Đặc biệt với các số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng thì các bên cần chú trọng đến căn cứ giao nhận.
Việc giao nhận tiền thường được các bên ký bằng giấy viết tay, tuy nhiên phương pháp này không tránh khỏi nhiều rủi ro như văn bản thể hiện việc giao nhận hư hỏng, mất; không có người làm chứng hoặc người làm chứng chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, người làm chứng không khách quan… Điều này hết sức bất lợi và gây ra nhiều rắc rối cho các bên.
Vì vậy, hiện nay việc lựa chọn Lập vi bằng để ghi nhận việc các bên giao nhận tiền cho nhau đã được sử dụng rộng rãi bởi tính ưu việt của Vi bằng là chứng cứ để Tòa án xem xét giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật.
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi xảy ra trên thực tế do Thừa phát lại chứng kiến và tạo lập. Hoạt động của Thừa phát lại được pháp luật quy định rõ ràng, do vậy vi bằng do Thừa phát lại lập phải đảm bảo được tính khách quan, Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm của mình về tính xác thực của vi bằng. Vi bằng sau khi lập được gửi đăng ký tại Sở Tư pháp và lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại. Điều này giải quyết được tất cả những rủi ro của các giao dịch viết tay truyền thống. Vi bằng sau khi được đăng ký có giá trị là nguồn chứng cứ và được lưu trữ ít nhất tại 2 nơi và thời hạn lâu dài. Bởi vậy sẽ không còn lo lắng khi chứng cứ bị thất lạc hay người làm chứng chết, mất tích…