Những vấn đề chung về Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu
1. Khái niệm tống đạt
Tống đạt là hoạt động của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đưa đến, gửi đến cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, thông qua các hình thức mà pháp luật quy định bất chấp là cơ quan, tổ chức, cá nhân có đồng ý nhận hay không nhưng phải đảm bảo là đã thực hiện được việc giao văn bản đó trên cơ sở quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định: “Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do TPL thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.”
2. Thẩm quyền và phạm vi tống đạt
2.1. Thẩm quyền tống đạt
Chủ thể tống đạt gồm TPL hoặc TKNV và thực hiện dưới sự giám sát, chỉ đạo của Trưởng VPTPL. Trưởng VPTPL có thể giao TKNV thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do TPL thực hiện (theo điều 32 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP).
2.2. Phạm vi tống đạt
Thứ nhất, về địa hạt tống đạt
Theo khoản 1 Điều 32 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, TPL có thẩm quyền tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện; VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện; cơ quan THADS cấp huyện trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi VPTPL đặt trụ sở theo hợp đồng dịch vụ tống đạt được ký kết giữa VPTPL với Toà án, VKSND, cơ quan THADS.
Mặt khác theo khoản 5 Điều 33 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì mỗi Tòa án, mỗi VKSND, mỗi cơ quan THADS có thể ký hợp đồng dịch vụ tống đạt với một hoặc nhiều VPTPL. Trong một số trường hợp, TPL được quyền tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Toà án, VKSND, cơ quan THADS ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở VPTPL.
Đối với việc tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài sẽ do Bộ Tư pháp lựa chọn một hoặc một số VPTPL thực hiện (quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP).
Thứ hai, về văn bản tống đạt
Theo khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 33 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì các văn bản TPL được tống đạt bao gồm: Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, VKSND, cơ quan THADS; Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
3. Thoả thuận và ký kết hợp đồng tống đạt
Thoả thuận tống đạt được quy định tại Điều 33 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Theo đó, thoả thuận tống đạt được thực hiện giữa VPTPL với Toà án, VKSND, cơ quan THADS chuyển giao tất cả các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu đã thoả thuận cho VPTPL tống đạt và VPTPL không được từ chối khi được yêu cầu tống đạt. Nội dung chủ yếu của hợp đồng dịch vụ tống đạt bao gồm: các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cần tống đạt; thời gian thực hiện hợp đồng; thủ tục tống đạt; quyền, nghĩa vụ của các bên; chi phí tống đạt;… Hợp đồng dịch vụ tống đạt được gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi Tòa án, VKSND, cơ quan THADS mở tài khoản để kiểm soát việc thanh toán chi phí tống đạt cho VPTPL.
4. Chi phí cho việc tống đạt
Chi phí thực hiện công việc tống đạt của TPL được quy định tại Điều 61, Điều 62 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và được ghi nhận trong hợp đồng giữa VPTPL và người yêu cầu (Toà án, VKSND, cơ quan THADS).
Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài được quy định tại Điều 63 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.
Việc thanh toán chi phí tống đạt cho VPTPL được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.
5. Thông báo kết quả tống đạt
Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định việc tống đạt được coi là hoàn thành khi TPL đã thực hiện xong các thủ tục quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì TPL phải thông báo kết quả tống đạt hoặc các tài liệu chứng minh việc tống đạt hoàn thành cho Tòa án, VKSND, cơ quan THADS, cơ quan, tổ chức khác đã yêu cầu trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. VPTL phải chịu trách nhiệm trước Tòa án, VKSND, cơ quan THADS về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, đúng thời hạn của mình; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định.